Vào ngày 8/11, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị quốc tế thường niên lần thứ 6 năm 2019 với chủ đề “Công nghệ blockchain cho đô thị thông minh”. Với gần 100 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia, các doanh nghiệp công nghệ thông tin… trong và ngoài nước đến dự.
Quyền Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh Lê Bích Loan cho biết: Hội nghị nhằm cung cấp những thành tựu mới nhất về nghiên cứu và phát triển công nghệ Blockchain trên thế giới cũng như các ứng dụng tiềm năng tại Việt Nam, đặc biệt là hỗ trợ xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành TP thông minh dựa trên ứng dụng công nghệ Blockchain.
Hội nghị cũng tăng cường sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các viện, trường trong lĩnh vực mới nổi này; giúp kết nối những chuyên gia hàng đầu với doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận, triển khai ứng dụng công nghệ Blockchain trong hoạt động điều hành, tổ chức và kinh doanh một cách hiệu quả.
Theo bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, công nghệ Blockchain có phạm vi ứng dụng rất rộng trong xây dựng TP Hồ Chí Minh thành một đô thị thông minh.
Đó là ứng dụng Blockchain trong cung cấp các dịch vụ công. Blockchain là công cụ đặc biệt hữu hiệu trong triển khai các dịch vụ công mang tính liên thông giữa nhiều cơ quan chức năng. Việc ứng dụng Blockchain giúp tránh được sự nhầm lẫn hay bỏ sót hồ sơ, tài liệu và đảm bảo tính minh bạch trong toàn chuỗi liên thông xử lý hồ sơ.
Bên cạnh đó, ứng dụng Blockchain còn mang lại khả năng có thể tự động hóa một số dịch vụ công như: Trích lục hồ sơ, công chứng điện tử, cấp lại giấy tờ (kết hôn, đăng ký…) cho người dân và doanh nghiệp (dịch vụ công cấp độ 4).
Một ví dụ đơn giản nhưng mang tính cấp bách là TP sẽ sớm xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa dựa trên công nghệ Blockchain theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc này không chỉ mang lại uy tín cho những sản phẩm của TP cung cấp ra thị trường trong nước và quốc tế, mà còn là thước đo về trạng thái thực của các quy trình sản xuất tại từng đơn vị sản xuất cụ thể.
“Blockchain không chỉ là phương tiện hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, mà cao hơn thế còn là công cụ giúp làm thay đổi tập quán canh tác, hướng tới các chuẩn mực quốc tế khi nước ta hội nhập ngày càng sâu với quốc tế“, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP nhấn mạnh.
Ngoài ra, Blockchain còn được ứng dụng trong phát triển xã hội. Đó là người dân chỉ cần một mã định danh là có thể tham gia bất cứ một loại hình dịch vụ xã hội nào mà không cần làm tờ khai như trước đây…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết: Đây là sự kiện khoa học phù hợp với chính sách và quy mô của Khu Công nghệ cao, chủ đề hội nghị rất phù hợp với sự phát triển đô thị thông minh của TP. Với việc xây dựng đô thị thông minh, TP Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ như: Trí tuệ nhân tạo, công nghệ Blockchain… Sau hội nghị này, TP sẽ nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ Blockchain.
Blockchain là một lĩnh vực công nghệ mới chỉ trong một thập niên gần đây, ứng dụng chủ yếu vào lĩnh vực tiền tệ, tài chính – ngân hàng. Cùng sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Blockchain được xác định sẽ là công nghệ cốt lõi trong các ứng dụng cho một đô thị thông minh, bởi việc ứng dụng công nghệ này sẽ giúp các hoạt động được đảm bảo tính minh bạch, loại bỏ đơn vị trung gian, phi tập trung, tạo niềm tin, tăng độ bảo mật, dễ tiếp cận, tiết kiệm chi phí.
Không nằm ngoài xu thế phát triển tất yếu của các nước, trong những năm qua, cộng đồng công nghệ Blockchain Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng cũng bước đầu nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Blockchain thành công trong một số lĩnh vực, nhằm hướng đến xây dựng đô thị thông minh.