Phân tích và giải mã core i3, i5 và i7, nên chọn loại core i mấy cho hợp lý

Phân tích và giải mã core i3, i5 và i7, nên chọn loại core i mấy cho hợp lý

Gia đình vi xử lý Intel Core dành cho máy tính laptop có rất nhiều phiên bản, mỗi phiên bản có tên thương hiệu, mã số CPU rồi có cả hậu tố (M, QM, HQ, U …). Vậy chúng khác nhau chỗ nào, làm sao để chọn đúng CPU phù hợp với nhu cầu của mình khi mua laptop. Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau giải mã tên gọi CPU của Intel qua đó tùy theo nhu cầu sử dụng, bạn có thể mua được 1 chiếc laptop pin lâu, làm văn phòng tốt hoặc chiến game thoải mái.

Intel Core là một thương hiệu được Intel sử dụng cho nhiều dòng vi xử lý từ trung đến cao cấp trên máy tính cá nhân và doanh nghiệp. Nếu dùng máy tính lâu năm thì chắc hẳn bạn đều biết những cái tên rất quen thuộc như Core Duo hay Core 2 Duo, đây cũng là những thế hệ vi xử lý Intel Core đầu tiên và rất phổ biến trên laptop, PC giai đoạn 2006 – 2008. Giờ đã là năm 2015, những chiếc laptop chạy Core 2 Duo không còn phổ biến nữa nên chúng ta sẽ tập trung vào thế hệ Intel Core i mới hơn với i3/i5/i7 và Core M.

Cách đặt tên chung của các phiên bản vi xử lý Core i: Core [tên thương hiệu i3/i5 hoặc i7] + [mã số CPU] + hậu tố

Intel_Core.png

I. Đầu tiên là phải phân biệt giữa tên thương hiệu i3, i5 và i7:

  • Core i3: gồm các CPU lõi kép, kiến trúc 64-bit, tập chỉ thị x86 dành cho laptop và desktop giá mềm và điểm chung là không được tích hợp công nghệ Turbo Boost.
  • Core i5: gồm các CPU lõi kép hoặc lõi tứ, kiến trúc 64-bit, tập chỉ thị x86 dành cho laptop và desktop tầm trung, nằm giữa i3 và i7, một số phiên bản được tích hợp Turbo Boost.
  • Core i7: gồm các CPU có tối đa 8 lõi, kiến trúc 64-bit, tập chỉ thị x86 dành cho laptop và desktop cao cấp và điểm chung là đều được tích hợp công nghệ Turbo Boost (ngược với i3).

II. Tiếp theo là các thế hệ CPU Core i và từ đây chúng ta có thể nhận diện được mã số CPU:

1. Thế hệ đầu tiên, tên mã Arrandale và Clarksfield, lần lượt dùng vi kiến trúc Westmere và Nehalem:

Arrandale dùng vi kiến trúc Westmere, quy tình 32 nm là hậu duệ của Penryn – vi kiến trúc được dùng trên rất nhiều CPU Intel Core 2, Celeron và Pentium Dual-Core. Arrandle chứa các thành phần cầu bắc gồm vi điều khiển bộ nhớ, giao tiếp PCI Express cho GPU rời, kết nối DMI và tích hợp GPU.

Họ Arrandale dùng kiến trúc Westmere, quy trình 32 nm, 2 lõi, tích hợp GPU Ironlake 45 nm

  • Intel Core i3 – 3xxM/3xxUM
  • Intel Core i5 – 4xxM/4xxUM; 5xxM/5xxUM/5xxE
  • Intel Core i7 – 6xxM/6xxLM/6xxUM/6xxE/6xxLE/6xxUE

Trong khi đó Clarksfield dùng vi kiến trúc Nehalem lại là thế hệ sau của Penryn-QC – một mô-đun đa chíp với 2 đế chip Penryn lõi kép. Các CPU thuộc họ này được sản xuất trên quy trình 45 nm cũ hơn và cũng chỉ có phiên bản Core i7 lõi tứ, không tích hợp GPU.

Họ Clarksfield dùng kiến trúc Nehalem, quy trình 45 nm, 4 lõi, không tích hợp GPU:

  • Intel Core i7 – 7xxQM/8xxQM và 9xxXM Extreme Edition

Intel_Core_1st_gen.jpg

> Đặc điểm nhận dạng: tên 3 số

> Tem Intel Inside như hình trên

> Dựa trên đầu số có thể biết được các CPU có đầu số 3, 4, 5, 6 đều có 2 lõi, CPU có đầu số 7, 8, 9 đều 4 lõi.

2. Thế hệ thứ 2, tên mã Sandy Bridge, dùng vi kiến trúc Sandy Bridge x86:

Tất cả CPU thế hệ 2 đều dùng vi kiến trúc Sandy Bridge x86 thay vì chia ra như thế hệ Core i đầu tiên. Sandy Bridge x86 thay thế cho Nehalem và sản xuất trên quy trình 32 nm. CPU đa phần là 2 lõi, riêng các phiên bản QM và QE có 4 lõi, đều tích hợp GPU HD Graphics 3000:

  • Intel Core i3 – 23xxM/23xxE/23xxUE
  • Intel Core i5 – 24xxM; 25xxM/25xxE
  • Intel Core i7 – 26xxM/26xxE/26xxLE/26xxUE/26xxQM; 27xxQM/27xxQE; 28xxQM và 29xxXM.

Intel_Core_2nd_gen.jpg

Đặc điểm nhận dạng: tên 4 số, bắt đầu bằng số 2

> Tem Intel Inside như hình trên.

3. Thế hệ thứ 3, tên mã Ivy Bridge, dùng vi kiến trúc Sandy Bridge x86:

Ivy Bridge cũng sử dụng cùng vi kiến trúc Sandy Bridge x86 nên các vi xử lý này tương thích ngược với nền tảng Sandy Bridge. Kể từ thế hệ này, Intel đã thu nhỏ quy trình xuống còn 22 nm. Tương tự Sandy Bridge, phần lớn CPU thuộc họ Ivy đều có 2 lõi, chỉ i7 mới có 4 lõi với hậu tố QM và XM. Điều đáng chú ý là Ivy Bridge cũng là thế hệ đầu tiên hỗ trợ chuẩn USB 3.0 với chipset Intel 7-series Panther Point và GPU tích hợp cũng được nâng cấp lên HD Graphics 4000:

Core_3th_no.png ​
  • Intel Core i3 – 31xxM/31xxME; 32xxE/32xxUE/32xxY
  • Intel Core i5 – 32xxM; 33xxM/33xxU/33xxY; 34xxU/34xxY và 36xxME
  • Intel Core i7 – 35xxM/35xxU/35xxLE/35xxUE; 36xxQM/36xxU/36xxY; 37xxQM; 38xxQM và 39xxXM.
Intel_Core_3rd_gen.jpg

> Đặc điểm nhận dạng: tên 4 số, bắt đầu bằng số 3

> Tem Intel Inside (về cơ bản giống tem Sandy Bridge nhưng màu sắc có thể thay đổi tùy nhà sản xuất).

4. Thế hệ thứ 4, tên mã Haswell, dùng vi kiến trúc Haswell x86:

Thế hệ này bắt đầu cho thấy sự phân hóa về tính năng và sức mạnh của vi xử lý trong cùng 1 dòng nhiều hơn. CPU được sản xuất trên quy trình 22 nm tương tự Ivy Bridge nhưng được thiết kế đặc biệt để tối ưu hóa điện năng tiêu thụ. Nhờ Haswell, những chiếc máy tính mỏng nhẹ pin lâu (Ultrabook) và hybrid đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Một điểm đáng chú ý là nếu như các thế hệ CPU trước chỉ tích hợp 1 loại GPU cho tất cả các dòng i3, i5, i7 thì kể từ Haswell, GPU đa dạng hơn với nhiều phiên bản gồm HD Graphics 4200/4400/4600/5000 và Iris 5100/Iris Pro 5200.

Core_4th_no.png ​
  • Intel Core i3 – 40xxM/40xxU/40xxY; 41xxM/41xxxU/41xxE
  • Intel Core i5 – 42xxM/42xxH/42xxU/42xxY; 43xxM/43xxU/43xxY; 44xxE/44xxEC
  • Intel Core i7 – 45xxU; 46xxM/46xxU/46xxY; 47xxMQ/47xxHQ/47xxEC/47xxEQ; 48xxMQ/48xxHQ/48xxEQ; 49xxMQ/49xxHQ/49xxMX.

Có thể thấy số lượng phiên bản CPU của họ Haswell đã tăng lên, phân hóa nhiều hơn và cách đặt tên hậu tố cũng có đôi chút khác biệt. Chúng ta sẽ tìm hiểu về ý nghĩa các hậu tố này trong phần dưới.

Intel_Core_4th_gen.jpg

> Đặc điểm nhận dạng: tên 4 số, bắt đầu bằng số 4

> Tem Intel Inside như hình trên.

5. Thế hệ thứ 5, tên mã Broadwell, dùng vi kiến trúc Broadwell x86:

Broadwell không hoàn toàn thay thế Haswell bởi theo nguyên lý tick-tock của Intel thì Haswell là tock và Broadwell là tick. Broadwell tương thích ngược với một số chip set Intel 8-series và hỗ trợ thế hệ chipset Intel 9-series. Điểm mới trên thế hệ Broadwell đáng chú ý là phần cứng giải mã video Intel Quick Sync hỗ trợ mã hóa và giải mã VP8, tích hợp các GPU mới gồm HD 5300/5500/5700P/6000 và Iris 6100, Iris Pro 6200/6300P.

Ngoài ra, họ Broadwell còn có 1 dòng CPU đặc biệt được gọi là Core M. Đây là một biến thể có tên mã Broadwell-Y, thiết kế dạng hệ thống trên chip (SoC), TDP rất thấp từ 3,5 W đến 4,5 W và được Intel hướng đến các loại máy tính bảng và Ultrabook. Core M tích hợp GPU HD 5300, hỗ trợ tối đa 8 GB RAM LPDDR3-1600. Dưới đây là một số phiên bản CPU Broadwell cho thiết bị di động đã được công bố:

Core_5th_no.png ​
  • Intel Core i3 – 50xxU và 51xxU
  • Intel Core i5 – 52xxU; 53xxU/53xxH
  • Intel Core i7 – 55xxU; 56xxU; 57xxHQ; 58xxHQ; 59xxHQ.
Core_M_no.png ​
  • Intel Core M – 5Y10a/c; 5Y31/5Y51 và 5Y70/5Y71 hỗ trợ công nghệ vPro.

Intel_Core_5th_gen.jpg

Đặc điểm nhận dạng: tên 4 số, bắt đầu bằng số 5

> Riêng với Core M thì có ký tự Y xen ngay sau số 5 đầu tiên

> Tem Intel Inside (thiết kế giống tem Haswell, có thêm tem Core m như hình trên).

III. Ý nghĩa các hậu tố, nắm được hậu tố, hiểu chức năng CPU:

Qua 2 phần đầu thì chúng ta đã lần lượt giải mã được ý nghĩa tên thương hiệu i3, i5, i7 đồng thời nắm bắt được các thế hệ CPU dựa trên mã số CPU. Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu về các hậu tố (suffix). Chúng là các ký tự kèm theo sau mã số CPU hoặc chen giữa như các bạn đã thấy, vậy M, U, E, Y, QM, HQ, MQ, XM … là gì.

1. Đối với thế hệ Core I ba số đầu tiên (Arrandale, Clarksfield), Intel dùng các hậu tố M/LM/UM/E/LE/UE/QM và XM.

Theo quy tắc chung, hậu tố M viết tắt của Mobile microprocessor hay vi xử lý dành cho các thiết bị di động (ở đây là máy tính laptop). Trong khi đó, E viết tắt của Embedded hay chip nhúng. Trên laptop phổ thông thì chúng ta ít khi gặp phải loại CPU này bởi chúng thường được dùng trên các hệ thống nhúng, chẳng hạn như máy tính tiền, hệ thống giải trí trên xe, các thiết bị tự động hóa, …

Đi kèm với các hậu tố U và L chỉ mức độ tiêu thụ năng lượng: U – Ultra-low power và L – Low power. Như vậy LM/UM sẽ là các vi xử lý cho laptop tiêu thụ điện năng thấp và siêu thấp, tương tự với LE/UE.

Với hậu tố QM và XM, ký tự M vẫn mang ý nghĩa Mobile và Q có nghĩa là Quad-core, X có nghĩa là eXtreme. Cả 2 hậu tố này đều cho biết vi xử lý có 4 nhân, riêng XM cho biết đây là phiên bản mạnh nhất trong họ.

2. Đối với thế hệ Core I thứ 2 (Sandy Bridge), Intel bổ sung thêm hậu tố QE bên cạnh các hậu tố M/QM/XM/E/LE/UE. QE là Quad-core Embedded – một phiên bản chip nhúng lõi tứ và cũng không được sử dụng trên laptop phổ thông.

3. Đến thế hệ Core I thứ 3 (Ivy Bridge), Intel vẫn giữ cách đặt hậu tố như cũ nhưng có 2 điểm mới là các CPU mang hậu tố U và Y. Đây đều là các CPU tiêu thụ điện năng thấp trong đó U là Ultra-low power và Y là Extremely low power (thấp nhất).

4. Thế hệ Core I thứ 4 (Haswell), Intel tiếp tục thay đổi và bổ sung hậu tố cho các phiên bản CPU. Hậu tố QM, XM, EQ được chuyển thành MQ, MX và QE, có thêm hậu tố H chỉ các phiên bản CPU có xung nhịp cao hơn và HQ chỉ các phiên bản CPU lõi tứ được tích hợp GPU hiệu năng cao, điển hình như Iris Pro 5200.

5. Thế hệ Core I thứ 5 (Broadwell) có cách đặt tên tương tự Haswell. Riêng dòng Core M thì hậu tố được đặt phía sau số đầu tiên trong mã số CPU, chẳng hạn 5Y10.

Như vậy qua những thông tin trên đây, chúng ta có thể ít nhiều biết được chiếc máy mình đang dùng hay định mua sử dụng CPU gì, chức năng và hiệu năng của nó ra sao. Một ví dụ như nếu bạn muốn 1 chiếc máy có cấu hình đủ tốt để làm một vài tác vụ nặng thì dĩ nhiên không nên chọn những CPU Core M hay những con CPU có hậu tố U, Y bởi chúng đều hy sinh hiệu năng để tiết kiệm năng lượng. Tương tự nếu cần máy cấu hình cao để chơi game hay sản xuất nội dung số, bạn nên chọn những con CPU 4 lõi với hậu tố MQ, HQ để có được hiệu năng cao nhất. Còn nếu bạn muốn 1 chiếc máy cân bằng thì những con CPU có hậu tố M là đủ xài, giá phải chăng.

Nguồn : Tinh Tế

Rate this post