Hôm qua mấy bạn bên MDN-Team có giới thiệu ứng dụng trợ lý ảo VAV hỗ trợ ra lệnh bằng giọng nói tiếng Việt tự nhiên trên Android, mình rất thích thú nên download thử ngay và nhận thấy rằng app này hoạt động rất tốt. Trước đây mình cũng từng nghịch qua một số app khác có chức năng tương tự rồi nhưng chưa phần mềm nào có độ chính xác cao như là VAV, nhất là khi nói những câu phức tạp. Việc sử dụng cũng rất dễ dàng, và đặc biệt là những lệnh mà bạn tương tác sẽ thật sự giúp ích cho bạn rất nhiều: từ việc tìm đường đi, đặt báo thức bằng giọng nói cho đến tìm kiếm thông tin gì đó trên Google.
Tải về ứng dụng VAVA – Trợ lý ảo cho người Việt trên Play Store (miễn phí)
Tính năng nhận diện giọng nói mà không cần cú pháp như thế này được gọi là kĩ thuật xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing – NLP). Đây là một kĩ thuật khó, đòi hỏi nghiên cứu sâu, thuật toán tốt cũng như mẫu giọng nói phải đa dạng và phù hợp. Trước đây NLP chủ yếu chỉ xuất hiện trong những ứng dụng tiếng Anh mà thôi. Như Google Voice, Siri hay Cortana cũng chỉ hỗ trợ chủ yếu cho tiếng Anh và vài ngôn ngữ lớn khác chứ chưa ông lớn nào có tiếng Việt đầy đủ. Thực chất Google Voice và Siri thì có nhận ra tiếng Việt nhưng không xài cho việc điều khiển máy mà chỉ đơn giản là để nhập văn bản mà thôi. Ngay chính VAV cũng dùng Google Voice API để lập trình tính năng nhận giọng đó thôi, nhưng phần xử lý lệnh sau đó như thế nào mới là cái khó.
Đây cũng là điểm ấn tượng nhất mà mình nhận thấy ở VAV, bởi hiện tại không nhiều ứng dụng có khả năng chuyển lệnh giọng nói thành một thao tác nào đó trên thiết bị. Việc đầu tiên mà mình thử làm đó là tìm đường đi đến một chỗ nào đó, mình chỉ việc nói ra thứ mà mình đang nghĩ trong đầu là “Tìm đường tới nhà thờ Đức Bà” là xong. VAV tự phân tích và chạy Google Maps lên với điểm đến chính là nhờ thờ Đức Bà. Mình không cần phải nói to hay chậm rãi gì, cứ nói một cách tự nhiên mà VAV vẫn nhận ra được.
Kế tiếp mình thử mở trang Tinhte.vn. Khi ra lệnh mở trang web, thứ khó nhất cho việc xử lý ngôn ngữ tiếng Việt đó là bạn phải hiểu được người dùng đang nói gì rồi dịch lại thành URL mà không bỏ dấu, lại phải phân biệt được dấu chấm cũng như tên miền phía sau. Vậy mà khi mình nói “Mở trang Tinh tế chấm vi en” thì VAV vẫn hiểu được, thể hiện lệnh chính xác rồi nhanh chóng chạy trình duyệt ra đúng trang mong muốn.
Giờ mình thử tới một thứ phức tạp hơn: đó là tìm thông tin về thủ thuật iPhone trên Tinh tế. Mình cũng nói với VAV y chang như vậy chứ không cần theo cú pháp cố định nào, ngay lập tức Google sẽ được kích hoạt với từ khóa tìm kiếm hệt như những gì mình nói ra. Đến đây thì mình thật sự cảm thấy rất bất ngờ và kèm theo đó là một chút… sướng. Ngoài ra, nếu bạn ra lệnh mà có pha trộn giữa tiếng Việt và tiếng Anh thì VAV cũng chấp luôn, nhận được hết!
Cuối cùng mình thử tới lệnh mà mình hay dùng nhất trên Siri và Cortana, đó là lệnh đặt báo thức và đặt lịch hẹn. Câu mà mình nói đó là “Đặt lịch hẹn ngày mai gặp bác sĩ lúc 9 giờ”. Ôi trời, toàn bộ câu đó đều được VAV ghi nhận, sau đó app Calendar chạy lên và một sự kiện mới đã được tạo sẵn với nội dung là “Đi gặp bác sĩ”, thời gian là “9 giờ sáng”, và nhận đúng luôn là “ngày mai” chứ không phải hẹn lịch cho hôm nay. Việc ra lệnh bằng giọng nói để đặt lịch chỉ tốn khoảng 1 giây, trong khi nếu bạn làm thủ công thì có thể mất đến cả phút mới thiết lập xong từ tiêu đề cho đến ngày giờ của sự kiện.
So với Google Voice, Siri, Cortana, rõ ràng VAV hoạt động rất tuyệt vời, độ chính xác cao mà tốc độ xử lý cũng rất nhanh chóng không hề thua kém gì sản phẩm từ những hãng lớn. Điểm hạn chế hiện tại đó là VAV chưa có các tính năng nhắc nhở, đề xuất thông minh như Cortana hay Google Now, cũng chưa thể hỏi đáp và trả lời theo dạng hội thoại để bạn có thể tâm sự như là Siri. Nhưng đó cũng không phải là vấn đề lớn, thứ mà chúng ta dùng nhiều hơn hết chính là những chức năng mà mình nói ở trên, còn những thứ khác thì VAV có thể bổ sung thêm trong thời gian tới.
Nếu bạn muốn xài VAV mọi lúc mọi nơi, app hỗ trợ gắn một icon nhỏ nhỏ lên màn hình để bạn có thể gọi VAV lên bất kì lúc nào bạn cần. Trong trường hợp bạn không thể nói được thì cũng có thể nhập câu lệnh bằng bàn phím ảo luôn cũng được, và với một số tình huống như để đặt lịch thì cách này vẫn còn nhanh chán!
Nhóm MDN-Team cũng nói thêm là hiện tại app VAV chỉ mới là phiên bản đầu tiên nên có thể không tương thích với một số thiết bị Android nhất định. Như trên chiếc One M8 của mình thì app vẫn chạy ngon, có điều tính năng nhắn tin thì được báo là chưa hỗ trợ. Mình hi vọng VAV sẽ hoàn thiện hơn và sẽ sớm là một thứ có mặt trên rất nhiều điện thoại ở Việt Nam chúng ta nhằm giúp việc thao tác với thiết bị được gọn và nhanh hơn.
Danh sách chức năng đầy đủ của VAV:
• Định vị các địa chỉ, địa danh (tòa nhà, cây cầu, đường phố, ngã tư, …) trên bản đồ.
• Tìm đường trên bản đồ, từ vị trí hiện tại hoặc từ một địa chỉ tới một địa chỉ khác.
• Duyệt web, truy cập một trang web bất kỳ.
• Thông tin về thời tiết tại một địa danh nào đó vào một thời gian nào đó.
• Đặt chuông báo thức (alarm) và nhắc nhở (reminder).
• Đặt lịch (calendar) cho các cuộc gặp, cuộc họp, …
• Hỏi ngày âm lịch (ví dụ: âm lịch hôm nay bao nhiêu?)
• Thực hiện thiết lập và thay đổi cài đặt của máy (settings): bật/tắt định vị, bật/tắt bluetooth, …
• Gọi điện cho một số điện thoại hoặc cho ai đó trong danh bạ của bạn.
• Nhắn tin cho ai đó.
• Quản lý danh bạ (mở danh bạ, tìm kiếm, lưu số vừa gọi vào danh bạ, …)
• Mở, kiểm tra và gửi email.
• Mở và ghi chép note.
• Mở bất kỳ một ứng dụng nào bạn đã cài đặt (Facebook, Zalo, Youtube, …)
• Mở những bản nhạc, bài hát bạn yêu thích.
• Chụp ảnh, quay video và xem lại những bức ảnh của bạn.
• Tìm các cây ATM, trạm xăng gần bạn hoặc gần một địa chỉ nào đó.
• Tìm các quán ăn, nhà hàng gần bạn hoặc gần một địa chỉ nào đó.
• Hỏi thông tin giá vàng.
• Và tìm thông tin bất kỳ từ Google.
Theo Tinhte.vn